1. Cấu thành tội phạm là gì?
Cấu thành tội phạm là tổng thể các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm cụ thể được quy định trong Luật Hình sự. Cấu thành tội phạm phải có đầy đủ bốn yếu tố: Yếu tố khách thể, yếu tố chủ thể, yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan:
Đặc điểm của cấu thành tội phạm:
– Cấu thành tội phạm là tổng hợp các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của một tội phạm cụ thể. Các dấu hiệu đấy phải phản ánh đúng bản chất của tội phạm cụ thể, phải có tác dụng phân biệt tội phạm này với tội phạm khác.
– Cấu thành tội phạm phải có những dấu hiệu bắt buộc. Dấu hiệu bắt buộc gồm dấu hiệu bắt buộc chung của tất cả mọi cấu thành và dấu hiệu bắt buộc riêng của từng cấu thành tội phạm cụ thể:
+ Dấu hiệu bắt buộc chung gồm hành vi, lỗi, năng lực trách nhiệm hình sự, độ tuổi.
+ Dấu hiệu bắt buộc riêng bao gồm những dấu hiệu phản ánh bản chất riêng biệt của tội phạm cụ thể như lợi dụng chức vụ, quyền hạn, dấu hiệu làm nghề nhất định như kinh doanh trái phép, dấu hiệu địa điểm qua biên giới…
– Các dấu hiệu trong cấu tội phạm phải được Luật Hình sự quy định trong điều luật cụ thể nói lên đặc điểm riêng biệt của tôi phạm dùng để định tội cũng như để phân biệt tội phạm này với tội phạm khác.
Tội phạm và cấu thành tội phạm rất gần nhau, nhưng tác dụng nhận thức và thực tiễn khác nhau. Cấu thành tội phạm có ý nghĩa làm rõ đặc điểm pháp lý của tội phạm, có tác dụng định tội cho tội phạm xảy ra và để phân biệt tội phạm này với tội phạm khác. Nếu chỉ dừng lại ở nghiên cứu tôi phạm mà không nghiên cứu cấu thành tội phạm thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Vì vậy muốn định tội chính xác phải nắm vững cấu thành tội phạm.
2. Các yếu tố cấu thành tội phạm
Hình minh họa. Cấu thành tội phạm là gì? Các yếu tố cấu thành tội phạm
2.1. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại bằng cách gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội đó. Nếu như không có sự xâm hại đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ thì hành vi đó không thể coi là nguy hiểm cho xã hội và không bị coi là tội phạm.
Khách thể của tội phạm được phân ra làm ba loại: (i) khách thể chung; (ii) khách thể loại; (iii) khách thể trực tiếp. Sự phân loại này chính là phương pháp để xác định khách thể của tội phạm trong các vụ án hình sự, giúp hoạt động định tội danh được chính xác.
2.1.1. Khách thể chung của tội phạm
Khách thể chung của tội phạm là tổng hợp tất cả các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ trước hành vi xâm hại của tội phạm.
Theo luật hình sự Việt Nam, khách thể chung của tội phạm là hệ thống các quan hệ xã hội đã được xác định tại Điều 1 cũng như Điều 8 của Bộ luật hình sự và bị tội phạm xâm hại. Đó là: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân …
2.1.2. Khách thể loại của tội phạm
Khách thể loại của tội phạm là một nhóm các quan hệ xã hội có tính chất tương đồng nhau, được một nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ trước sự xâm phạm của một nhóm các tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Trên cơ sở khách thể chung, Bộ luật Hình sự quy định các nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất, tương đồng nhau bị tội phạm xâm hại vào các chương tội phạm cụ thể.
Ví dụ: Chương XIII của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; Chương XIV quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người…
Việc xác định khách thể loại của tội phạm là cơ sở để hệ thống hoá các quy phạm pháp luật phần các tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự thành từng chương, giúp cho việc tiếp cận và xác định các quan hệ xã hội bị tội phạm xâm phạm đơn giản hơn, trên cơ sở đó xác định tội phạm cụ thể.
2.1.3. Khách thể trực tiếp của tội phạm
Khách thể trực tiếp của tội phạm là quan hệ xã hội cụ thể, được được luật hình sự bảo vệ trước sự xâm hại của một tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Tội phạm khi thực hiện, luôn xâm phạm đến một hoặc một số quan hệ xã hội cụ thể. Các quan hệ xã hội này được thể hiện trong các chương thuộc phần các tội phạm. Muốn xác định được tội danh cụ thể đối với hành vi phạm tội, cần phải xác định được lợi ích cụ thể, trực tiếp bị tội phạm xâm hại là gì.
Tùy vào tính chất đặc trưng của mỗi loại tội phạm, có tội phạm chỉ có một khách thể trực tiếp, có tội phạm có nhiều khách thể trực tiếp.
Ví dụ: Tội giết người tại Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ có một khách thể trực tiếp, đó là tội phạm xâm phạm đến tính mạng (quyền sống) của người khác được luật hình sự bảo vệ; Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là tội có nhiều khách thể trực tiếp, ngoài việc xâm phạm đến trật tự an toàn giao thông, tội phạm còn xâm phạm đến quyền nhân thân và quyền sở hữu tài sản, đối với những tội phạm này, tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm chỉ được thể hiện đầy đủ khi xâm phạm đến các quan hệ xã hội cụ thể trên.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm bao gồm hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm và hoàn cảnh phạm tội. Trong mặt khách quan của tội phạm, dấu hiệu về hành vi nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc luôn phải có trong cấu thành tội phạm của mọi tội.
2.2.1. Hành vi khách quan
Hành vi khách quan của tội phạm là xử sự của người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại ra bên ngoài thế giới khách quan dưới những hình thức cụ thể. Hay nói cách khác, hành vi khách quan của tội phạm là xử sự trái pháp luật hình sự của chủ thể trong những tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Xử sự này gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại cho các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ.
2.2.1. Các hình thức của hành vi khách quan của tội phạm
2.2.1.1. Hành động phạm tội
Hành động phạm tội là hình thức biểu hiện của hành vi phạm tội để làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, qua đó gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Hành động phạm tội được thể hiện thông qua việc chủ thể thực hiện một hoặc nhiều hành vi mà luật hình sự cấm thực hiện.
Qua việc nghiên cứu các hành vi phạm tội, đối với hành động phạm tội thường thể hiện ở các dạng cụ thể sau:
– Chủ thể thực hiện tội phạm bằng cách tác động trực tiếp vào đối tượng tác động.
Ví dụ: A dùng tay bóp cổ B cho đến lúc B chết.
– Chủ thể thực hiện tội phạm thông qua công cụ, phương tiện.
Ví dụ: A dùng súng bắn vào đầu B dẫn đến B tử vong.
– Chủ thể thực hiện tội phạm thông qua lời nói.
Ví dụ: A dùng lời lẽ đe dọa sẽ giết B, khiến B tin đó là sự thật và lo sợ.
– Chủ thể thực hiện tội phạm thông qua người không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc thông qua người không có năng lực trách nhiệm hình sự, hoặc những người bị cưỡng bức về thể chất hoặc tinh thần.
Ví dụ: A (20 tuổi) đưa cho B (13 tuổi) 01 triệu đồng nhờ B vận chuyển 01 kg heroine từ địa bàn này sang địa bàn khác;
Ví dụ: A dùng súng dí vào đầu B, bảo B phải ném lựu đạn vào nhà C, nếu không A sẽ bắn chết B.
2.2.1.2. Không hành động phạm tội
Không hành động phạm tội là biểu hiện thứ hai của hành vi khách quan, theo đó, không hành động phạm tội là hành vi làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động gây thiệt hại cho khách thể qua việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật hình sự yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp không hành động gây ra thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo về đều phạm tội. Chỉ được xem là không hành động phạm tội khi thoả mãn các điều kiện sau:
– Chủ thể phải có nghĩa vụ hành động. Nghĩa vụ hành động đó xuất phát do nghĩa vụ do Nhà nước quy định, ví dụ như nghĩa vụ đóng thuế; nghĩa vụ quân sự…; nghĩa vụ do chức năng, nghề nghiệp bắt buộc thực hiện.
Ví dụ: Trách nhiệm cứu chữa bệnh nhân của bác sĩ, nghĩa vụ bảo vệ tài sản của người bảo vệ…; nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.
Ví dụ: Hợp đồng thuê giữ trẻ làm phát sinh nghĩa vụ trông coi, chăm sóc trẻ…; nghĩa vụ phát sinh từ xử sự trước đó của chủ thể, như trách nhiệm pháp lý cứu người khi gây ra tại nạn giao thông của chủ thể điều khiển phương tiện giao thông.
– Chủ thể phải có khả năng (điều kiện) để thực hiện nghĩa vụ. Điều này đòi hỏi trong những trường hợp nghĩa vụ phát sinh, chủ thể phải có khả năng để thực hiện nghĩa vụ đó, nếu không có khả năng thực hiện thì không phạm tội.
Ví dụ: A không biết bơi, thấy B bị đuối nước ở dưới sông kêu cứu mà A không cứu dẫn đến B chết, trong trường hợp này A không phạm tội.
Trong Bộ luật Hình sự, phần lớn các tội phạm được thực hiện bằng hình thức hành động; có một số tội phạm chỉ thực hiện bằng không hành động như tội trốn thuế, tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng…; cũng có một số tội vừa thực hiện bằng hành động vừa bằng không hành động như tội giết người, tội huỷ hoại tài sản… điều này phụ thuộc vào đặc trưng hành vi của từng tội phạm và dấu hiệu định tội của nó.
2.2.2. Hậu quả của tội phạm
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do đó khi thực hiện, tội phạm luôn gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại trên thực tế. Để đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, yếu tố hậu quả đóng vai trò rất quan trọng.
Hậu quả của tội phạm là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Để xác định mức độ hậu quả của tội phạm, chúng ta phải xác định mức độ làm biến đổi tìnhtrạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Đối tượng tác động của tội phạm ở thời điểm trước và sau khi tội phạm xảy ra luôn có sự thay đổi về trạng thái tự nhiên hoặc trạng thái pháp lý.
Hậu quả của tội phạm được biểu hiện ở các dạng như: Giết hại vật chất; thiệt hại về thể chất; thiệt hại tinh thần; thiệt hại về phi vật chất.
Việc xác định hậu quả của tội phạm có ý nghĩa pháp lý quan trọng. Đối với cấu thành tội phạm vật chất, việc xác định hậu quả của tội phạm có ý nghĩa trong việc định tội, còn đối với cấu thành tội phạm tăng nặng phản ánh dấu hiệu hậu quả của tội phạm, việc xác định chúng có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt. Ngoài ra, dấu hiệu hậu quả được phản ánh trong một số tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, việc xác định chúng có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt của Tòa án.
2.2.3. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm là mối quan hệ giữa các hiện tượng trong đó một hiện tượng được gọi là nguyên nhân (là hành vi khách quan) làm phát sinh một hiện tượng khác là kết quả (là hậu quả của tội phạm).
Dựa vào cơ sở lý luận của cặp phạm trù nhân quả trong phép biện chứng có thể xác định được các điều kiện của mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm như sau:
– Hành vi phải xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian. Điều này, có ý nghĩa để xác định tội phạm, định tội, định khung.
Ví dụ: A bị tai biến, được đưa đi cấp cứu, trên đường đưa đi cấp cứa A đã tử vong, sau khi A tử vong, thì xe ô tô của B tông vào xe cấp cứu đang chở A. Trong trường hợp này, chúng ta phải xác định hậu quả A chết trước hành vi gây tai nạn của B, do đó, tình tiết về hậu quả này không có ý nghĩa pháp lý khi xem xét trách nhiệm pháp lý của B.
– Hành vi phải chứa đựng khả năng thực tế, mầm mống nội tại, nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hậu quả. Đây là điều kiện để chứng minh khả năng phát sinh hậu quả của hành vi, nếu thực tế loại trừ khả năng này thì không có mối quan hệ nhân quả.
– Hậu quả xảy ra phải là hiện thực hoá khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi. Việc xác định hậu quả phải đặt trong mối quan hệ với hành vi, đánh giá hậu quả là khả năng hiện thực phát sinh từ hành vi khách quan của tội phạm.
Mối quan hệ nhân quả được thể hiện ở các dạng chủ yếu sau:
– Mối quan hệ nhân quả đơn trực tiếp là mối quan hệ nhân quả chỉ có một hành vi phạm tội là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả.
Ví dụ: A dùng dao đâm B, B bị thương với tỷ lệ thương tật là 20%.
– Mối quan hệ nhân quả kép trực tiếp là quan mối hệ nhân quả có nhiều hành vi phạm tội làm nguyên nhân, trong đó, mỗi hành vi đều đã chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả.
Ví dụ: A và B dùng gậy gây thương tích cho M (tỷ lệ thương tích 30%). Trường hợp này, nếu tách ra mỗi hành vi đều có khả năng gây ra hậu quả cho M. Tuy nhiên, trong sự kết hợp với nhau thì đã gây ra một hậu quả chung là M bị thương tật tỷ lệ 30%.
Đối với những tội phạm có gây ra hậu quả, thì phải chứng minh mối quan hệ nhân quả, dù dấu hiệu hậu quả được xác định dùng để định tội, định khung hay tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
2.2.4. Những biểu hiện khác trong mặt khách quan của tội phạm
Biểu hiện khác trong mặt khách quan bao gồm: công cụ, phương tiện, thời gian, địa điểm và hoàn cảnh phạm tội.
Công cụ, phương tiện phạm tội là những đối tượng vật chất được chủ thể sử dụng để tác động vào đối tượng tác động của tội phạm trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội.
Trong Bộ luật Hình sự có một số ít tội quy định công cụ, phương tiện được là dấu hiệu bắt buộc để định tội.
Ví dụ: Phương tiện vật chất là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành cơ bản của tội đưa hối lộ tại Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thủ đoạn phạm tội là cách thức thực hiện tội phạm được biểu hiện thông qua việc thực hiện hành vi dựa trên sự khôn khéo, tinh vi có tính toán của người phạm tội. Dấu hiệu này có thể dùng để định tội, ví dụ như: “thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản” trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc có thể là tình tiết định khung tăng nặng như tình tiết “dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm” tại điểm d khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, hoặc cũng có thể là tình tiết tăng nặng tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, trong mặt khách quan của tội phạm còn biểu hiện về thời gian phạm tội, địa điểm phạm tội và hoàn cảnh phạm tội. Tùy vào từng tội phạm cụ thể để xác định vai trò pháp lý của những dấu hiệu này.